Những ngày này, ngành kinh doanh trang phục ở Anh đang nóng sốt hơn bao giờ hết. Theo dữ liệu của Global Data trên trang Fashion United, tổng doanh thu các sản phẩm có liên quan tới Halloween năm nay ở Anh đã tăng 1,7%, tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành trang phục lại cao hơn mức bình quân, dự tính có thể tăng đến mức 3,1%. Nước Anh đã thu về 480 triệu bảng Anh (14 nghìn tỷ VND) từ ngành thời trang trong dịp này.
Ai cũng biết trang phục là khoản “ngốn” nhiều chi phí của người tiêu dùng nhất trong dịp Halloween, bởi một bộ trang phục Wonder woman chắc chắn sẽ đắt hơn bánh kẹo rất nhiều. Hội liên hiệp bán lẻ Mỹ (NRF) đã làm một bản điều tra chi tiêu trong dịp lễ này và dự đoán người dân sẽ mất hơn 3,35 tỷ USD (77.000 tỷ) để mua quần áo, đồ hóa trang.
Các cửa hàng giảm giá (Discount store) như B&M, Poundland và Lidi ngày càng đưa ra nhiều sản phẩm dành cho Halloween, dẫn đến việc người tiêu dùng không còn nhu cầu mua trang phục đắt tiền “một năm chỉ mặc một lần”. Trong mảng thị trường này, rõ ràng các thương hiệu thời trang “mỳ ăn liền” có ưu thế hơn. Eleanor Parr – nhà phân tích bán lẻ của Global Data cho biết: “Ngày càng có nhiều hãng bán lẻ vốn không kinh doanh đồ Halloween giờ cũng bắt đầu gia nhập thị trường này để nâng cao lượng bán ra”. Các hãng nổi tiếng như Primark và H&M cũng đã tung ra bộ sưu tập dành riêng cho Halloween năm nay.
Năm 2017, nhiều công ty đã thay đổi thiết kế trang phục Halloween từ “độc, dị” sang kiểu trang phục mặc thường ngày, chẳng hạn như áo phông có in slogan chủ đề Halloween. Điều này đã giúp giải quyết tình trạng “một năm chỉ mặc một lần”, giúp tiết kiệm chi tiêu và kích thích người tiêu dùng tìm mua nhiều hơn. Ngoài ra, phong cách Gothic, lưới ren, nhung hoặc “đen toàn tập” - những trào lưu thời trang hút khách hiện nay cũng rất phù hợp với chủ đề Halloween. Các hãng quần áo chỉ cần chỉnh sửa sản phẩm đôi chút là có thể lập tức “lên kệ”.
Bên cạnh việc thay đổi thiết kế, một số nhãn hàng còn bán trang phục trong phim kinh dị dành cho các fan của dòng phim này. Đơn cử như hãng Topshop, năm nay hãng này đã ký hợp đồng độc quyền với trang phim Netflix để bày bán các trang phục ăn theo Stranger Things – bộ phim gần đây được bầu chọn là tác phẩm truyền hình đáng xem nhất dịp Halloween.
Ở Mỹ, các cửa hàng pop-up bán đồ Halloween cũng mọc lên như nấm. Theo dữ liệu của NRF, năm nay những mặt hàng Halloween đã giúp nước Mỹ thu về 9,1 tỷ USD (209 nghìn tỷ VND).
(Nguồn 24h)