Gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã phải bán 2 căn nhà làm lộ phí kêu oan suốt 11 năm dài đằng đẵng, em gái Hải cũng bỏ học
Trao đổi với phóng viên, người thân của Hồ Duy Hải kể về rất nhiều đại biểu Quốc hội, luật sư, nhà báo và những người xa lạ đã tận tình giúp họ trong hành trình kêu oan.
"Anh trở về mới lo cho bản thân"
Trước thời gian xảy ra vụ án 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi bị sát hại đêm 13-1-2008, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan (ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) làm việc ở Đài Loan 3 năm, lương 15 triệu đồng/tháng. Hằng tháng, bà gửi về cho con 10 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn vào thời điểm ấy.
Từ tiền lương tích lũy của bà Loan gửi về, tiền bà ngoại Hải trích ra cho, Hải và người em út của bà Loan đã xây ngôi nhà khang trang. Các chị em bà Loan cũng hùn nhau mua ôtô và Hải đang học lái ôtô để đi làm dịch vụ. Sau khi vụ án xảy ra, việc học của Hải dừng lại. Cơ quan tố tụng ghi lý lịch của Hải là tốt nghiệp lớp 12, không nghề nghiệp nhưng thực tế Hải đã tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường ĐH Hùng Vương.
Bà ngoại Hải khi ấy có hơn 3 ha ruộng, trong đó hơn 1 ha giải tỏa để làm đường cao tốc nên được đền bù số tiền khá lớn. Các con đã xây cho bà 1 biệt thự ngay sau nhà bà Loan. Nhưng buồn vì vụ án của Hải, bà đã về ở trong nhà thờ, ngôi biệt thự này giờ đã bán để lấy tiền làm lộ phí đi kêu oan cho Hải.
Ngày 4-12-2014 (1 ngày trước khi tử tù Hồ Duy Hải dự kiến bị thi hành án), trước cổng TAND tỉnh Long An, nhiều người thân của Hải và một số người dân đã đến xin gặp lãnh đạo tòa án để hoãn thi hành án. Trong số này có chị Hồ Thị Thu Thủy (em gái của Hải).
Chị Thủy cho biết khi anh trai bị bắt, chị còn đi học. Anh trai vướng vào lao lý, chị cũng bỏ học cùng mẹ đi khắp nơi xin cứu xét. Những ngày kêu cứu tuyệt vọng, hai mẹ con đi tàu hỏa ra Hà Nội. Không biết đường sá, cơ quan trung ương ở đâu nên hai mẹ con thuê một chiếc xe đạp đi hết đường này đến đường khác. Đêm thì thuê nhà trọ, sáng cứ đi tìm văn phòng tiếp công dân của Chính phủ, các cơ quan công lý. Đói thì ăn bánh mì rồi lại đạp xe đi. Tuyệt vọng, cả hai mẹ con về nhà.
Hơn 7 năm, hàng trăm lần họ ra Hà Nội, lên TP HCM rồi quay về. Đến lúc không còn tiền nữa, mẹ Hồ Duy Hải đã quyết định bán căn nhà để tiếp tục đi kêu oan. "Đến khi nào anh Hải trở về thì lúc đó em mới tính đến việc học nghề và lập gia đình" - chị Thủy cho biết.
Những người không thể quên
Bà Nguyễn Thị Rưởi (dì của Hải) cho hay vì hoang mang về chuyện sống chết của Hải trong bản án tử hình nên ban đầu gia đình không thuê luật sư. Một luật sư tỉnh Long An đã đến gặp gia đình nói muốn bào chữa cho Hải. Đang lúc rối bời nên gia đình nhận lời và trả thù lao. Sau này mới biết ông này là luật sư chỉ định và cũng nguyên là cán bộ ngành công an.
Sau khi tòa tuyên Hồ Duy Hải án tử hình, gia đình đọc báo thấy luật sư Trần Hồng Phong góp ý về luật rất cụ thể. Linh tính con mình oan sai nên bà Loan tìm gặp luật sư Phong, sau đó là luật sư Nguyễn Văn Đạt, luật sư Trần Văn Tạo. Các luật sư này không đòi hỏi thù lao. Thậm chí, chính luật sư Phong đã bỏ nhiều thời gian lặn lội tìm nhân chứng như Đinh Vũ Thường… và từng thực nghiệm hiện trường như chạy xe từ nơi Hải ở tiệm cầm đồ đến hiện trường để tính thời gian di chuyển của Hồ Duy Hải.
Một nhân vật mà bà Loan luôn cảm thấy biết ơn là bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Nhiều năm trước, bà đã nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp đến hiện trường vụ án, vào trại giam gặp Hải... Bà cũng có báo cáo dài 10 trang, nêu rất rõ các sai phạm của vụ án.
"Có những sai phạm luật sư còn ngạc nhiên khi bà chỉ ra những chi tiết như "con số ghi trên cái ghế khác nhau. Cô Nga đã gọi cho gia đình nhiều lần để động viên. Có lần, cô gọi từ 5 giờ 30 phút sáng để hỏi thăm và dặn dò... Cả đời này gia đình tôi phải nợ cô bởi một chữ "công tâm" - mẹ Hồ Duy Hải xúc động kể.
Ngày 11-2-2015 khi bà Lê Thị Nga, lúc đó còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, có viết thư tay gửi cho gia đình rằng bà đã nghiên cứu hồ sơ và kiến nghị gửi Chính phủ. Đây là một ngày mà cả nhà không ngủ được vì tin rằng công lý sẽ đứng về lẽ phải.
Nguồn tin: 24h