Sau hơn nửa năm hoạt động, tuyến buýt sông đầu tiên của TPHCM chủ yếu vẫn là phục vụ cho người dân, du khách có nhu cầu du lịch, khám phá sông nước Sài Gòn, không có nhiều người chọn đây là phương tiện di chuyển chính.
Tuyến buýt sông số 1 với điểm đầu là bến Bạch Đằng (quận 1), điểm cuối là trạm Linh Đông (quận Thủ Đức) dài hơn 10km. Bắt đầu hoạt động từ ngày 25.11.2017 với giá vé 15.000 đồng/lượt. Tàu được thiết kế hiện đại, đẹp mắt, đầy đủ thông tin lộ trình…
Hành khách ngoài việc ngồi trên các băng ghế cũng có thể ngắm cảnh, hóng mát ở khu vực cuối tàu.
Thời gian đầu mới khai trương, tuyến buýt đường sông số 1 luôn “cháy” vé, nhất là những ngày cuối tuần. Bởi, đây là loại hình vận tải mới, nhiều người muốn đi tham quan, trải nghiệm.
Hiện nay, việc mua vé đi buýt sông khá dễ dàng. Sáng 13.7, chúng tôi đến bến Bạch Đằng mua vé tàu buýt sông đi đến trạm Linh Đông. Vé được mua nhanh chóng tại quầy vé, đồng giá 15.000 đồng/lượt, khứ hồi hết 30.000 đồng.
Khách du lịch xe lộ trình tuyến buýt sông tại bến Bạch Đằng.
Đúng 9h30, tàu buýt sông rời bến Bạch Đằng, trên tàu lúc này có khoảng 30 người, trong đó hơn chục người khách nước ngoài. Khi được hỏi, hầu hết những khách trên tàu cho biết lần đầu tiên đi buýt đường sông và đi cho biết.
Ông Trần Văn Bình (60 tuổi, quận Tân Bình) - chia sẻ: “Biết đi buýt sông thích vậy tôi đi lâu rồi. Không gian thoáng, mát mẻ và cảnh trên sông nước làm cho tư tưởng thoải mái".
Trong đi đó, chị Trần Thị Hạnh (quận 9) cho hay, tranh thủ nghỉ hè nên chở con trai vào trung tâm thành phố đi du lịch buýt sông. “Thấy phương tiện cũng thoáng, thoải mái. Không chen chúc, tốc độ đi ổn định, không kẹt xe.
Nhưng mà hơi ít người đi nên khả năng giảm tải cho giao thông đường bộ chắc là chưa nhiều. Nhưng để du lịch thì rất tốt, có rất nhiều người chọn buýt thủy để tham quan, du lịch, nhìn thành phố từ sông" – chị Hạnh chia sẻ.
Khách đi buýt sông chủ yếu là những người đi cho biết.
Hỏi thêm một vài khách bên cạnh, hầu hết mọi người đều cho hay đây là lần đầu tiên đi buýt đường sông. Đi chơi cho biết chứ hàng ngày đi làm vẫn dùng xe máy hoặc xe buýt.
Thống kê phía chủ đầu tư dự án cũng cho biết, 70% hành khách sử dụng buýt thủy là người dân thành phố muốn đi thử, 13% là khách du lịch ngoại quốc, còn lại là khách vãng lai.
Theo đại diện chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH Thường Nhật, sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, lượng khách sử dụng khá ổn định, lượng khách đạt từ 60%-70% số ghế.
"Tuyến buýt đường sông bản chất là để phục vụ việc đi lại và tuyến này đang thực hiện theo đúng chức năng.
Trong nhu cầu đi lại, có người sử dụng để đi làm, cũng có người sử dụng để tham quan, du lịch" – ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, nói.
Theo các chuyên gia, khi TPHCM tận dụng được mạng lưới giao thông thủy với hơn 110 tuyến sông, kênh rạch, 1.000km đường sông bao quanh, chắc chắn giao thông thủy sẽ chia lửa, giảm tải hiệu quả cho giao thông đường bộ.
Và hiệu quả bước đầu của tuyến buýt sông số 1, dù chỉ mới ở mức người dân khám phá chứ chưa hình thành một loại hình di chuyển mới, cũng là rất đáng ghi nhận và hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nguồn: Soha
Xem thêm ăn ốc bị tử vong