Năm 2017, Peeradechapan lọt vào top 50 người giàu nhất Thái Lan, với tài sản 610 triệu USD, xếp vị trí thứ 44. Anh cũng là người trẻ nhất trong danh sách này.
Khó khăn từ những ngày đầu khởi nghiệp
Gia đình phá sản, Peerdechapan từ một cậu ấm nghiện game, phải tập kinh doanh nhiều thứ từ khi học trung học để giúp đỡ bố mẹ. Sau năm thứ nhất đại học, anh bỏ ngang để ‘làm kinh doanh thật sự’.
Anh quyết tâm đầu tư hết 7.200 USD (tương đương 164 triệu VNĐ) tiền tiết kiệm để mua thiết bị bán hạt dẻ nướng và thuê một quầy hàng trong trung tâm thương mại. Khi công việc kinh doanh đang trên đà gặt hái thành công, đạt doanh thu 87.000 USD (tương đương 2 tỷ VNĐ)/tháng với hơn 30 cửa hàng trong khu vực, cơ chế quản lý của một số siêu thị thay đổi theo thị trường, buộc anh phải chuyển địa điểm. Các khách hàng quen thuộc dần bỏ đi, khiến doanh thu giảm mạnh.
Thời điểm đó, Peeradechapan nhận thấy rong biển sấy là món ăn vặt phổ biến của giới trẻ Thái Lan, nhưng chưa được sản xuất đại trà tại đất nước này. Anh lập tức tìm gặp các chuyên gia của đại học Kasetsart, nơi nổi tiếng với các công trình khoa học nông nghiệp, cùng sợ giúp đỡ của mẹ đẻ để tạo ra các hương vị khác nhau, từ tom yum chua cay, cho tới vị mù tạt hăng nồng.
Với số tiền 200.000 USD (tương đương 4,5 tỷ VNĐ) từ việc bán một số quầy hạt dẻ nướng, năm 2006, anh thành lập một nhà máy sản xuất rong biển sấy giòn, lấy tên là Taokaenoi, phân phối trực tiếp cho chuỗi cửa hàng 7-Eleven. Năm 2008, doanh thu của công ty đạt 30 triệu USD.
Tuy phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường thực phẩm trong nước, đồng thời, gặp tổn thất nặng nề sau khi nhà máy bị trận lũ lịch sử tàn phá vào năm 2011, nhưng nhờ uy tín và tài thuyết phục của mình, Peeradechapan đã huy động thành công số vốn 42 triệu USD, giúp anh vực dậy công việc kinh doanh.
Tham vọng trở thành thương hiệu toàn cầu
Hiện tại, Taokaenoi được công nhận là thương hiệu thống lĩnh thị trường snack rong biển tại Thái Lan và đã tạo dựng được danh tiếng nhất định tại các thị trường trong khu vực Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Itthipat Peeradechapan cho biết Taokaenoi đang hướng tới mục tiêu trở thành thương hiệu toàn cầu. Anh dự định sẽ xuất khẩu sản phẩm của mình sang Mỹ, thị trường snack lớn nhất thế giới, bất chấp việc phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hiện tại, sản lượng hàng năm của Taokaenoi lên tới 12.000 tấn. Anh đã đầu tư xây dựng một nhà máy mới, rộng 28.000m2, chuyên sản xuất để xuất khẩu với dây chuyền sản xuất hiện đại, được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản với 1.000 nhân viên.
Theo nhà phân tích Uraiwan Tantisuwannakul của CIMB Securities (Thái Lan), chính sách thuế mới cùng năng suất cao và tiết kiệm chi phí giúp Taokaenoi ngày càng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng công ty đang phải đối mặt với rủi ro khi giá nguyên liệu thô tăng và lượng rong biển trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Hiện nguồn nguyên liệu của Taokaenoi chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng Peeradechapan tự tin cho rằng công ty vẫn đảm bảo ‘tính cạnh tranh’. Anh cho biết, sắp tới, công ty sẽ chú trọng nâng cao năng suất và thúc đẩy xuất khẩu để đạt doanh thu gấp đôi vào năm 2024.